Hoa cúc đại đóa là loài hoa quen thuộc, gần gũi với mọi nhà, mọi người dân Việt Nam. Vào mỗi dịp Tết, cùng với mai vàng miền Nam, hoa đào miền Bắc, cúc đại đóa là loài hoa luôn góp mặt ở những chợ hoa xuân. Riêng đối với nhà mình, dù đã có hẳn một vườn mai vàng, thế nhưng mỗi dịp Tết đến, bố mình phải mua bằng được chậu cúc về trưng ngay góc sân nhà, bởi lẽ cúc đại đóa đẹp, màu sắc tươi tắn, làm không khí xuân trong lòng mỗi người trong gia đình mình thêm rộn ràng, yên vui nên cả nhà mình thích lắm, xuân đến là được ngắm thỏa thích, ngắm mãi thôi ^^.
Cùng tìm hiểu về tên gọi, xuất xứ của loài hoa cúc đại đóa
Cúc đại đóa ắt hẳn là một cái tên quen thuộc đối với chúng ta, ngoài cái tên này, hoa còn có một số tên gọi khác như hoa hoàng cúc, hoa thu cúc, tuy nhiên những tên gọi này không được sử dụng phổ biến. Cây có tên khoa học là Chrysanthemum mor, thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Được biết loài hoa này đã được trồng từ rất nhiều năm về trước, theo một số tài liệu ghi được, hoa xuất hiện từ khoảng 500 năm trước Công nguyên tại Hồng Kông. Sau đó ít lâu, ngoài Hồng Kông, hoa cúc đại đóa xuất hiện ở một số nơi tại Trung Quốc và Nhật Bản, chỉ lác đác vài nơi khu vực châu Á, không thể trồng được tại các nước châu Âu bởi điều kiện không thích hợp.
Tuy nhiên, nhờ vào kỹ thuật lai tạo và nhân giống, ngày này cây có thể sống tốt ở nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Do đó, cây phổ biến ở khắp mọi châu lục trên thế giới. Tại Việt Nam, hoa cúc đại đóa được xem là một trong những loài hoa phổ biến và được nhiều người biết đến nhất, là một loài hoa đẹp và vô cùng rực rỡ.
Đặc điểm thực vật của hoa cúc đại đóa
Về kích thước thân, cúc đại đóa là loài hoa có chiều cao trung bình vượt bậc hẳn so với các loài khác thuộc họ Cúc. Chiều cao trung bình của cây có thể rơi vào khoảng 0,8 – 1,5m. Thân cây mọc thẳng tắp với màu xanh lục cứng cáp, cây có phân nhánh ngay từ gốc, mọc xung quanh thân cây từ gốc tới ngọn. Tuy nhiên thân vẫn là phần phát triển nhất và hoa mọc trực tiếp từ thân cây cũng là hoa có kích thước to và màu sắc rực rỡ nhất của cúc đại đóa.
Lá cây mang màu xanh lục đậm, phiến lá có nhiều thùy không đều nhau. Mặt trên và dưới của lá cúc đại đóa đều nhám, mặt dưới của lá còn có một lớp lông tơ mềm mịn bao phủ và có màu nhạt hơn bề mặt trên. Nhìn chung, lá cúc đại đóa cũng giống như lá các loài hoa cúc khác mà chúng ta thường thấy, tuy nhiên chúng có kích thước to hơn. Có một điều bạn nên lưu ý là khi cây sinh trưởng kém thì lá nhỏ, mỏng, màu xanh nhạt không bóng hoặc hơi vàng.
Hoa cúc đại đóa mọc trực tiếp từ ngọn cây, ở các cành nhánh nhỏ xung quanh cây cũng có hoa, tuy nhiên hoa có kích thước nhỏ hơn hoa chính. Họ cúc có nhiều loài mọc thành chùm cũng có nhiều loài mọc đơn lẻ. Cúc đại đóa là loài hoa học đơn, hoa có kích thước lớn, to bằng lòng bàn tay trở lên, có nhiều giống có đường kính hoa lên đến 15cm. Mỗi bông hoa cúc đại đóa có rất nhiều cánh, lên đến cả trăm cánh mọc thành nhiều lớp hoa xếp chồng lên nhau. Những lớp hoa ở ngoài khi mới nở sẽ có hơi hướng cong lại, ôm ấp những tầng hoa và phần nhụy bên trong. Khi hoa già, những cánh hoa ấy sẽ dần dần bung ra và đạt kích thước hoa tối đa. Bởi cúc đại đóa có nhiều lớp hoa bao bọc từ trong ra ngoài nên chúng ta thường khó thấy phần nhụy của hoa.
Hiện nay, hoa cúc đại đóa được nhân giống với rất nhiều màu hoa khác nhau, tiêu biểu có sắc vàng, trắng, hồng, xanh,… Cũng giống bao loài cúc khác, cúc đại đóa có thể nở hoa quanh năm nếu chúng ta chăm sóc tốt, dù thế nhưng mùa xuân vẫn là mùa hoa cho hương sắc sặc sỡ nhất.
Về bộ rễ của cây, cúc đại đóa là loài thực vật có rễ chùm. Cây mọc rễ con liên tục và mọc chồng chéo lên nhau, cây có nhiều rễ phụ và lông hút, khi trồng vào chậu chúng quấn quanh tạo nên một bộ rễ tròn đều gọn gàng.
Ý nghĩa của loài hoa cúc đại đóa
Cúc đại đóa là loài hoa phổ biến vào những ngày Tết, có thể nói rằng sắc xuân sẽ không trọn vẹn khi thiếu sắc vàng của hoa cúc. Vào những ngày tết, khắp xóm làng nhà ai cũng tậu cho mình những chậu cúc vàng tươi, dù lớn dù nhỏ. Màu vàng tươi của cúc đại đóa tượng trưng cho bao điều tích cực, sự sung túc, sum vầy của đại gia đình. Hoa còn mang đến niềm tin cho một năm mới, một khởi đầu mới đầy tươi sáng và tràn ngập hy vọng, nhằm cầu chúc năm mới an khang thịnh vượng, may mắn và tài lộc.
Ngoài việc là sứ giả mùa xuân, hoa cúc còn nằm trong bộ tứ Tùng – Cúc – Trúc – Mai, điều này thể hiện sự uy nguy của loài hoa này, hoa sang trọng, lộng lãi và đại diện cho niềm kiêu hãnh của dân tộc. Ở nơi mình sống, vào mỗi dịp lễ, cúng kiếng, cúc là loài hoa truyền thống được cắm để dâng lên bàn thờ tổ tiên, những nơi trang trọng nhất nhằm thể hiện sự kính trọng, biết ơn đối với bề trên.
Lợi ích khi trồng hoa cúc đại đóa
Hoa cúc thường được trồng để trang trí giúp không gian vườn nhà trở nên sáng rực, tươi tắn hơn. Không chỉ vào dịp Tết, mà hoa còn được trồng vào chậu để ở sảnh nhà, trồng ở góc vườn quanh năm, bởi đặc tính loài hoa này có thể ra hoa suốt các mùa và hoa nở rất lâu tàn, bền màu.
Đối với các nhà vườn, cúc đại đóa là một loài hoa mang lại giá trị kinh tế rất cao. Chính vì lẽ đó mà cúc là loài hoa được trồng nhiều nhất vào những dịp giáp Tết để các nhà vườn có thể bán chúng vào những ngày cận Tết, đây cũng là nguồn trang trải và là công việc chính của nhiều gia đình.
Đặc biệt, như một số loài cúc khác, những nụ cúc non hoặc cánh hoa cúc cũng được tận dụng, phơi, sấy khô để dành làm trà. Vị hoa cúc khô khi kết hợp với các loại thảo mộc khác tạo nên hương thơm đặc trưng, hơn nữa còn mang lại lợi ích rất lớn cho sức khỏe con người, giúp thư giãn và giải tỏa căng thẳng.
Các phương pháp nhân giống hoa cúc
Hiện nay, ở nước ta có 2 phương pháp nhân giống cúc đại đóa phổ biến nhất là gieo hạt và giâm cành.
Đối với phương pháp gieo hạt
Về thời gian, nếu muốn trồng hoa cúc để chơi tết thì bạn nên tiến hành gieo hạt hoa cúc trước tết khoảng 3 tháng. Để gieo hạt hoa cúc, trước hết bạn cần chuẩn bị giá thể đất tơi xốp, làm tất và tưới ẩm đất trước khi gieo hạt.
Hạt giống cúc đại đóa bạn có thể mua tại các nhà vườn bán hạt giống. Sau khi có hạt giống, bạn ngâm hạt vào môi trường nước ẩm khoảng 30 – 40 độ C, sau đó vớt hạt ra đặt vào chiếc khăn vải mỏng và ủ hạt. Sau thời gian ủ khoảng 3 – 5 ngày, bạn tiến hành đem hạt gieo vào môi trường đất đã chuẩn bị và tưới phun sương nhẹ nhàng cho đất là được nhé. Sau khoảng thời gian tầm 1 – 2 tuần, cây con sẽ nảy mầm và bắt đầu phát triển.
Video tham khảo cách gieo hạt hoa cúc đại đóa
Tuy nhiên phương pháp này cho tỷ lệ sống không cao, khi cây lớn cũng không mang nhiều đặc điểm của cây mẹ nên nếu bạn trồng tại nhà để làm cảnh thì mình khuyến khích bạn thực hiện theo phương pháp giâm cành dưới đây.
Đối với phương pháp giâm cành
Để giâm cành đạt hiệu quả cao, việc đầu tiên bạn cần làm là chọn môi trường đất và làm đất. Vì cúc đại đóa có đặc điểm là rễ chùm mọc ngang, phát triển mạnh ở tầng đất nông nên loại đất phù hợp là đất thịt tơi xốp, hoặc có thể chọn đất phù sa có độ thông thoáng, thoát nước tốt.
Sau khi đã chọn được đất trồng phù hợp, bạn cần cuốc đất và phơi ải đất khoảng 7 ngày trước khi trồng (này là đối với trường hợp bạn muốn trồng số lượng nhiều và trồng thành luống), sau 7 ngày bạn tiếp tục làm đất cho bề mặt đất trở nên tơi xốp và tiến hành bón lót phân cho đất. Các bạn có thể trộn đất với phân chuồng và xơ dừa, tro trấu trước khi trồng cây. Ngoài ra, nên phun Ridomil để xử lý nấm trong đất trước khi trồng.
Về cành giâm, thường thì chúng ta sẽ cắt cành từ cây mẹ sau mỗi vụ hoa (nhà mình cũng hay làm cách này, sau mỗi đợt hoa tàn sau tết ấy). Chọn cành giâm xanh tốt, khỏe mạnh, không bị sâu đục hoặc bệnh hại. Cắt cành giâm với độ dài khoảng 10 – 15cm, trên cành có ít lá. Sau đó làm ẩm đất đã chuẩn bị và tiến hành giâm cành cúc đại đóa xuống đất, bạn nên giâm nghiêng một góc 45 độ so với mặt đất để cây dễ ra rễ, sau khi giâm tưới nước phun sương nhẹ vào mặt đất để tạo độ ẩm kích thích cành giâm ra rễ. Khoảng 1 – 2 tuần sau là cây bắt đầu cho rễ con và phát triển rồi, nhớ lưu ý cung cấp nước tưới nhẹ nhàng thường xuyên cho cây nhé.
Video tham khảo cách nhân giống hoa cúc bằng cách giâm cành
Ngoài ra, mình hướng dẫn cho các bạn một tip sau nhé. Sau mỗi vụ hoa chơi tết, bạn có thể lấy cây ra khỏi chậu và tách các cây con mọc ở phần gốc ra chăm sóc, như vậy là có những cây giống cúc đại đóa cực kỳ chất lượng rồi. Nhìn vậy thôi chứ cũng được nhiều lắm đấy ^^.
Khi chăm sóc cúc đại đóa, cần lưu ý một số điều kiện sau
Về nhiệt độ
Hoa cúc đại đóa là một loài khá dễ chịu, nhưng sẽ phát triển tốt nhất dưới khí hậu mát mẻ, nhiệt độ thích hợp từ 20 – 27 độ C, đó chính là lý do vì sao cây phát triển tốt vào vụ đông và cho hoa vào mùa xuân.
Về ánh sáng
Cây cúc đại đóa ưa nắng trung bình, cây có thể sống được dưới nắng nhẹ hoặc bóng râm. Tránh để cây ở dưới nắng quá gắt bạn nhé, vì như vậy dễ làm cây mất nước, khô héo lá và sinh trưởng kém.
Về nước tưới
Hoa cúc đại đóa có bộ rễ chùm và nhiều rễ phụ nên rất cần nước để phát triển. Nên tưới nước cho cây ít nhất một lần, vào sáng sớm hoặc chiều mát để cây đủ độ ẩm phát triển và cho hoa bạn nhé.
Về phân bón
Như bao loài hoa cảnh khác, hoa cúc đại đóa cần phân bón để cho sai hoa và đậm màu. Ngoài phân chuồng, các loại phân vi sinh, bạn nên cung cấp phân NPK cho cây, nếu thiếu cây có thể bị cằn cỗi, lá vàng và hoa không được to và đậm màu. Khi cung cấp NPK đầy đủ sẽ giúp cây cứng cáp, hoa bền màu, sai hoa và tăng khả năng chống chịu lạnh cho cây.
Video tham khảo kỹ thuật trồng cúc đại đóa ra hoa đúng dịp Tết
Trên đây mình đã cung cấp “tất tần tật” những thông tin cũng như kinh nghiệm mình có khi chăm sóc hoa cúc đại đóa. Mình yêu loài hoa này vô cùng nên cũng mong mọi người thành công khi trồng chúng ^^.