Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe qua tên gọi của loài hoa bồ công anh. Hoa có một màu trắng tinh khiết, nhẹ nhàng mang theo ý nghĩa của sự an yên. Bạn biết không, lúc nhỏ mà thấy được bồ công anh mình vui lắm, vì mình tin rằng khi thổi những cánh hoa bồ công anh bay xa sẽ mang theo những điều ước tốt lành của mình bay cao và thành hiện thực, giờ nghĩ lại dù ngốc nghếch nhưng mình vẫn rất vui vì những khoảnh khắc ấy ^^>
Tên gọi và nguồn gốc xuất xứ của hoa bồ công anh
Bồ công anh có tên tiếng anh là Dandelion, tên khoa học là Lactuca indica L, là một loài thực vật có hoa thuộc họ nhà Cúc. Tại nước ta, bồ công anh còn mang nhiều tên gọi khác nhau như diếp trời, rau mũi cày, phù công anh hay răng sư tử,…
Bồ công anh được biết đến như một loại hoa dại. Cây có nguồn gốc xuất xứ từ các nước ôn đới ở Đông Nam Á, ngoài ra còn phổ biến ở Siberi, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp và Mỹ. Tại nước ta, hoa xuất hiện rải rác khắp nơi nhưng tập trung rộ nhất ở các vùng có núi cao, nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm và độ ẩm không khí cao như Lâm Đồng, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn,… Dù là hoa dại nhưng loài hoa này mang một vẻ đẹp, dịu dàng và vô cùng thu hút. Đặc biệt ở những nơi đồi núi cao có nhiều ánh nắng, hoa mọc dọc triền núi, khi cơn gió lướt qua, những cánh hoa bồ công anh rời khỏi cây và lan tỏa khắp nơi theo cơn gió, trông bình dị và vô cùng an yên.
Đặc điểm thực vật của hoa bồ công anh
Bồ công anh là loại cây thân thảo với kích thước nhỏ. Hoa bồ công anh có ba giống phổ biến với ba sắc hoa khác nhau là bồ công anh tím, bồ công anh vàng và bồ công anh trắng. Trung bình mỗi cây bồ công anh vàng và trắng trưởng thành có chiều cao khoảng 30 – 50cm, hoa bồ công anh tím có kích thước cao lớn hơn, có thể cao đến tầm 1m. Dù là dòng nào thì bồ công anh cũng có thân thẳng đứng hiên ngang, thường không phân cành nhánh. Thân cây là một khối trụ tròn, có phần hơi xốp, rỗng nên dễ gãy. Lá bồ công anh không mọc chi chít như những loài cây khác mà tập trung chủ yếu ở phần gốc cây. Thông thường, lá mang hình dạng mũi mác, đầu lá thuôn dài, lá không có cuống, mép lá được chia thành nhiều thùy với kích thước lớn nhỏ khác nhau, mặt lá có lông nhỏ màu trắng.
Phần đẹp nhất của bồ công anh chính là hoa. Hoa bồ công anh thường mọc ở phần đỉnh cây. Mỗi thân cây thường chỉ cho một hoa mà thôi. Đối với bồ công anh trắng, đây có lẽ là loài hoa được liên tưởng nhiều nhất khi nhắc đến bồ công anh. Hoa nở thành khối cầu, mang màu trắng sữa, trên mỗi hoa có từ vài chục đến cả trăm cánh hoa nhỏ, cánh hoa nhỏ dài tự như những chiếc kim với nhiều cánh kim nhỏ tập trung ở đỉnh mỗi cánh, trông như những chiếc lông tơ của các chú chim nhỏ. Hoa màu vàng và tím thì có hình dạng hơi khác biệt. Với hai sắc hoa này, cũng có những dòng có hình dạng giống bồ công anh trắng, chỉ khác màu. Nhưng cũng có những dòng với cánh hoa khá giống với hoa cúc, cũng đúng vì đây là loài thực vật họ Cúc mà.
Bồ công anh cũng có quả. Quả của chúng có hình elip, màu đen, xung quanh có nhiều lông màu trắng nhỏ bao bọc lấy gân quả. Trong quả có hạt, đây cũng là nguồn nhân giống chủ yếu của bồ công anh.
Ý nghĩa của hoa bồ công anh
Nhắc đến bồ công anh, có lẽ ai cũng biết chúng là loài hoa của sự mỏng manh, nhẹ nhàng và thuần khiết. Đây là loài hoa của những ước mơ và hy vọng, khi những cánh hoa vươn mình trong gió mong tìm đến bay đến những vùng đất mới cũng là lúc chúng mang theo niềm hy vọng bay xa, theo đuổi sự tự do. Lúc nhỏ mình chẳng biết gì về ý nghĩa của loài hoa này đâu, chỉ thấy chúng đẹp, chiều chiều ra sau hè nhà có mấy cây bồ công anh nở hoa, thế là ngắt hoa đưa lên miệng thổi, cánh hoa bay lơ lửng khắp không gian mà cảm thấy thơ mộng và bình yên vô cùng, còn là vừa thổi vừa ước như thổi nến nữa ^^.
Hơn nữa, khác với vẻ ngoài mỏng manh của mình, cây còn là biểu trưng cho một tình yêu nhẹ nhàng, bền vững và kiên định.
Công dụng của cây hoa bồ công anh
Ngoài vẻ đẹp thơ mộng, hoa bồ công anh còn được sử dụng để bào chế các loại thuốc sử dụng trong y học. Tại Mỹ, hoa bồ công anh là một trong những vật liệu quan trọng được sử dụng để điều chế thuốc điều trị bệnh ung thư vú. Nhìn hoa mỏng manh và thô sơ vậy thôi chứ tại Đức đây là loài thực vật được người dân nơi đây lấy mật để dùng cho các bữa ăn đấy.
Ở một số nơi, lá của bồ công anh được tận dụng để làm salad hoặc sấy khô và dùng nấu nước uống, chúng có thể hỗ trợ chữa các bệnh về tiêu hóa, đau dạ dày, mụn nhọt,… Hơn nữa, người ta còn thu hoạch rễ bồ công anh, rửa sạch, phơi khô, nấu nước uống để trị các bệnh về đường tiêu hóa.
Phương pháp nhân giống hoa bồ công anh
Như mình đã đề cập ở trên, hoa bồ công anh có thể nhân giống từ hạt giống. Bạn có thể thu hoạch hạt giống đã già từ cây mẹ hoặc cũng có thể mua ở các cửa hàng hạt giống hoặc vườn ươm, mình thấy có rất nhiều nơi bán hạt giống bồ công anh luôn ý.
Về đất trồng, hoa bồ công anh có thể phát triển được ở nhiều môi trường sống khác nhau, cây có thể sống được mà không cần chất dinh dưỡng nhiều. Bạn có thể dùng đất cát, đất thịt, đất thịt pha cát đều được, sau đó đem trộn đất với xơ dừa, phân chuồng ủ mục, vỏ trấu và một ít vôi bột để tăng độ tơi xốp, khử chua, khử khuẩn. Để phát huy tốt nhất tác dụng sau khi trộn đất thì nên để đất khoảng 15 – 20 ngày sau rồi mới mang đi trồng.
Hạt giống bồ công anh rất dễ nảy mầm, vì thế bạn không cần ngâm hay xử lý trước mà có thể đem đi trồng ươm trồng luôn. Tuy nhiên nếu muốn hạt nhanh nảy mầm nhất thì có thể ngâm ở môi trường nước 30 – 40 độ C trước khi đem gieo trồng. Khi gieo hạt xuống đất bạn nên gieo với khoảng cách khoảng 10 – 20cm, khi gieo xong thì phủ thêm một lớp trấu hoặc rơm rạ khô lên bề mặt đất để giữ độ ẩm cho cây nảy mầm.
Video tham khảo cách gieo hạt hoa bồ công anh
Khi cây đã nảy mầm được khoảng 2 – 3 tuần, lá cứng cáp thì bạn có thể tách cây trồng vào các chậu cảnh riêng lẻ.
Nếu nhà bạn có vườn bồ công anh thì có thể thu hoạch hạt và gieo trồng theo cách dưới đây nhé.
Video tham khảo cách gieo hạt và trồng bồ công anh
Một số lưu ý khi chăm sóc hoa bồ công anh
Về ánh sáng và nhiệt độ
Hoa bồ công anh ưa nắng, chúng có thể phát triển rất tốt ở cả môi trường bóng râm, nắng bán phần và nắng toàn phần. Về nhiệt độ, cây có thể sống tốt ở nơi có khí hậu nắng ấm hay cả nơi có tiết trời lạnh, ở những nơi có nhiệt độ hơi se lạnh, độ ẩm cao thì cây xanh tốt và cho hoa nhiều hơn.
Về nước tưới
Tuy là bồ công anh dễ nuôi trồng, có thể thích nghi với mọi điều kiện nhưng có một điểm khá kém ở cây này là khả năng chịu ngập úng. Do đó, bạn nên hạn chế tưới nước cho cây, một tuần tưới 1 – 2 lần là được tưới. Vì loài hoa này khá mỏng manh nên ưu tiên tưới phun sương để tránh làm nghiêng ngả, ảnh hưởng đến cây nha.
Về phân bón
Đối với bồ công anh thì không cần dùng đến phân bón hóa học, chỉ cần sử dụng phân chuồng hoặc phân vi sinh thỉnh thoảng bón cho cây là được rồi. Mỗi lần bón nên cách nhau khoảng 1 tháng. Sau khi bón phân xong nên tưới nhẹ nước để cây có thể hấp thu chất dinh dưỡng nhanh và hiệu quả hơn bạn nhé.
Trên đây là những thông tin cơ bản về bồ công anh cũng như cách nhân giống, trồng và chăm sóc loại hoa an yên này. Hy vọng bạn sẽ trồng thành công những thảm bồ công anh rực rỡ bạn nhé ^^>.