Hoa Thanh Điệp – Đặc điểm, cách nhân giống và chăm sóc

Thanh điệp là loài hoa giản dị, gần gũi vô cùng. Thú thật là mình yêu bạn này từ những ngày đầu bạn ấy được du nhập về Việt Nam ấy. Loài hoa này trong veo, bình dị nhưng xinh xắn nên yêu lắm ^^.

Hình ảnh hoa thanh điệp

Mô tả loài hoa thanh điệp

Thanh điệp, tên khoa học là Rotheca Myricoides, còn có những tên tiếng Anh khác như Blue Butterfly Bush, là một loài cây thân gỗ, mọc dạng bụi, là cây thường xanh thuộc họ hoa môi (Lamiaceae), xuất hiện ở khu vực nhiệt đới Đông Phi (Kenya và Uganda). Giống như tên của nó, hoa của thanh điệp màu xanh (1), có hình cánh bướm đang bay, màu hoa có thể từ xanh đậm đến xanh nhạt tùy theo thời tiết, nhiệt độ và chế độ dinh dưỡng. Nếu thời tiết khô và nóng, hoa sẽ có màu nhạt hơn, nếu trời lạnh thì hoa sẽ có màu đậm, chế độ dinh dưỡng tốt hơn sẽ cho hoa màu đậm hơn. Bụi thanh điệp có thể cao từ 1.8 đến 3m, lá xanh quanh năm (bạn ấy là cây thường xanh mà). (2)

Bụi cây thanh điệp có chiều cao trung bình

Khả năng thích nghi của hoa thanh điệp

Thanh điệp phù hợp nhất với zone khí hậu 9-11 (3), không hợp với những vùng có nhiều băng tuyết. Tuy nhiên, nếu ở xứ lạnh và có tuyết vào mùa đông, cây sẽ tập thích nghi bằng cách vào mùa đông cành cây khô, chuyển dinh dưỡng xuống rễ, và đến mùa xuân ấm áp cây sẽ mọc lên những chồi non từ rễ.

Thanh điệp khá thích nắng nóng. Càng ở nơi có nhiều ánh sáng mặt trời, thanh điệp càng cho nhiều hoa. Tuy vậy, ở những nơi có ít ánh sáng mặt trời thì thanh điệp vẫn cho hoa. Có điều hoa sẽ không sai như khi được phát triển ở chỗ full nắng.

Nên trồng thanh điệp ở đâu?

Thanh điệp có khả năng thích nghi khá tốt, nhất là trong điều kiện khí hậu như ở Việt Nam. Vì thế, chúng ta cũng có thể lựa chọn trồng thanh điệp ở rất nhiều chỗ, tùy theo điều kiện cho phép.

– Thanh điệp có thể trồng ở hàng rào do bạn ấy có khả năng phát triển rất nhanh chóng. Cây có thể mọc dạng bụi cao hoặc thấp tùy người trồng cắt tỉa để tạo dáng bụi.

– Thanh điệp có thể trồng trong bồn, chiều cao và độ rộng của tán sẽ tùy vào vị trí và mong muốn của người trồng. Vì cây phát triển rất nhanh nên chúng ta có thể cắt tỉa thường xuyên để tạo tán rộng và sum.

– Thanh điệp cũng có thể trồng trong chậu, trồng ở ban công hoặc sân thượng. Mặc dù trồng trong chậu thì cây không phát triển tốt như bên ngoài, vì cây cần nhiều dinh dưỡng. Người trồng cần chăm sóc và bón phân thường xuyên.

Thanh điệp cho hoa rực rỡ

Cách trồng và chăm sóc hoa thanh điệp

Thanh điệp là một loại cây hoa không những có khả năng thích nghi tốt mà còn rất dễ trồng. Có thể nói, loài cây này có thể sống trong rất nhiều điều kiện khắc nghiệt. Vì thế, trồng thanh điệp không hề khó. Chúng ta có thể làm theo trình tự sau.

Đầu tiên, muốn trồng thanh điệp, chúng ta cần phải có cây giống. Cây giống được bán rất nhiều trên mạng và các nhà vườn với giá khá rẻ. Năm năm trước thì mỗi cây giống thanh điệp khoảng 150-250k/cây, nhưng gần đây thì giá giảm rất nhiều, chỉ còn 50-100k tùy theo độ lớn của cây. Sự giảm giá này có lẽ là do sự dễ tính của thanh điệp.

Nếu trồng đất, chúng ta chọn chỗ trồng cao một chút để tránh trường hợp cây bị úng vào mùa mưa, chuẩn bị một hố sâu khoảng 40cm, đường kính ít nhất 40cm, sau đó đổ phân mùn hoặc phân hữu cơ làm phân lót, sau đó trồng cây và lấp đất như trồng cây bình thường, và tưới nước. Trồng đất thì chúng ta gần như không cần để ý quá nhiều đến việc tưới nước bón phân bởi thanh điệp rất dễ tính và có bộ rễ phát triển rất tốt, có thể tìm dinh dưỡng ở sâu trong đất.

Nếu trồng chậu, chúng ta cần chuẩn bị hỗn hợp đất tới xốp nhiều dinh dưỡng, chuẩn bị chậu lớn hơn 5 gallon (để đảm bảo sự phát triển trong thời gian dài), đảm bảo chậu có lỗ thoát nước tốt. Sau đó tiến hành trồng, lấp đất cách mặt chậu khoảng 10-15cm để khi tưới nước không bị tràn và bắn đất bẩn ra ngoài. Trong trường hợp trồng chậu, chúng ta cần phải tưới hàng ngày vì thanh điệp rất háo nước. Nếu có thể, chúng ta nên bón phân định kỳ. Tốt nhất là bón phân hữu cơ (4) để đảm bảo đất không bị chai cứng sau này.

Video tham khảo cách trồng và chăm sóc thanh điệp

 

Cắt tỉa cành thanh điệp

Như ở trên mình đã nói, thanh điệp phát triển cực kỳ mạnh mẽ, nhất là khi trồng đất. Chúng ta cắt tỉa cành bình thường sau mỗi lần cành cho hoa, cắt khoảng 10-20cm phía dưới bông hoa thấp nhất của chùm hoa. Như thế, cây sẽ mọc thêm các nhánh và chậu cây ngày càng sum.

Khi trồng cây trực tiếp trên đất vườn thì cây phát triển cực kỳ nhanh, mầm nảy thêm và ra hoa liên tục, chỉ cần có nắng. Vì thế, chúng ta cắt tỉa cũng rất đơn giản, chỉ cần cắt cành theo ý của chúng ta, cây sẽ ra mầm rất nhanh và tạo tán. Không nên tiếc bởi nếu như không kịp cắt cây sẽ phá tán đó các bạn, bởi bạn ấy phát triển nhanh lắm luôn.

Cách nhân giống thanh điệp

Thanh điệp có thể được nhân giống đơn giản bằng cách giâm cành. Theo như kinh nghiệm của cá nhân mình thì mình thấy giâm cành thanh điệp cực kỳ dễ dàng. Những cành thanh điệp được cắt tỉa, chỉ cần cắm vào đất ẩm là cành sẽ ra rễ và sẽ thành một cây giống.

Thanh điệp khi cho hoa

Những kinh nghiệm của tác giả về thanh điệp

Mình thực sự có khá nhiều tình cảm với thanh điệp và cũng rất thân quen với loài hoa này. Kể từ hồi mới biết đến bạn ấy, có thể là khi bạn ấy mới được nhập về Việt Nam từ những lần đầu tiên, khoảng 5-6 hay 7 năm trước, mình thực sự không nhớ chính xác là năm nào. Hồi ấy mua một cây giống nhỏ xíu khoảng 200k, mà không biết là trồng bạn ấy như thế nào, cũng không biết có dễ trồng hay không, cứ mua vì đam mê vậy thôi.

Ban đầu mình khá cưng bạn ấy, khi bạn ấy có hoa rồi tàn hoa còn không nỡ cắt bỏ cành. Lần đầu tiên tỉa cành mình đã để dành cành đó để giâm. Và rất ngạc nhiên khi cành cây nhỏ đó lại có thể sống thành một cây con.

Cứ thế, vài năm rồi, mặc dù mình vẫn đặc biệt yêu quý thanh điệp, (do màu sắc và hình dáng bông hoa lạ mắt như thế cơ mà) nhưng mà mình bớt cưng bạn ấy nhiều, bởi mình đã nhân giống ra thành nhiều cây, nhiều chậu (có lẽ nhiều nên không sợ một lúc nào đó bạn ấy bất đắc kỳ tử mà mất giống), và cũng biết được rằng bạn ấy dễ tính không chịu nổi, mình cứ vứt vạ vứt vật mà cây vẫn ra hoa, vẫn phát triển.

Hoa thanh điệp đẹp dịu dàng yêu vô cùng

Các bạn không hiểu đâu, một người nghiện cây như mình rất thích thử nghiệm khi có những loài cây mới trong vườn. Khi đã nhân giống thanh điệp khá ổn rồi, mình trồng rất nhiều chậu, và để các bạn ấy ở những vị trí khác nhau trong sân, trong vườn, để thử xem ở vị trí nào thì bạn ấy yêu thích nhất, và ở điều kiện như thế nào thì bạn ấy phát triển một cách tốt nhất. Những điều mà mình viết ở trên hầu hết là những kiến thức mình tự rút ra sau khi mình đã trồng và thử nghiệm rất nhiều với thanh điệp.

Cuối cùng mình cũng đúc kết ra một số điều:

  • Thanh điệp thích nắng, nhưng chịu được và phát triển khá bình thường với nắng bán phần (tức là nắng mỗi ngày khoảng 1-4h)
  • Thanh điệp không sợ nóng, vì bạn ấy phát triển khá bình thường trong những ngày hè nắng nóng nhất của Hà Nội.
  • Thanh điệp háo nước và không chịu hạn, chỉ thiếu nước là lá sẽ rũ xuống (nhưng sau khi được cấp nước, nếu lá chưa bị khô cháy, thì sẽ lại tươi bình thường)
  • Thanh điệp sợ úng – đây là điều mình rút ra từ một lần cây thanh điệp mình trồng dưới đất bị úng do mưa khoảng 1 tuần và sau đó thì trời nắng gắt 1 ngày. Khi nhìn thấy đất vẫn đầy nước và lá cây thì héo rũ, mình đã cực kỳ hoảng hồn (bởi cây của mình lúc đó siêu to siêu đẹp rồi)
  • Thanh điệp rất yêu cuộc sống. Sau cái lần phát hiện cây bị héo rũ kia, mình đã thành công cứu bạn ấy bằng cách nhổ lên, trồng vào chậu để chỗ mát khoảng 1 tuần sau đó để ra điều kiện bình thường, bạn ấy lại phát triển bình thường như chưa từng héo. Rễ của bạn ấy đặc biệt khỏe và chịu khổ rất tốt nha. Vậy nên chúng ta rất dễ dàng có thể cứu được cây thanh điệp trong trường hợp bạn ấy bị héo hay khô gì đó, chỉ cần kiểm tra rễ, cắt bỏ những phần rễ có vấn đề rồi giâm lại vào đất, bạn ấy lại sống lại như chưa bao giờ ốm yếu.
  • Điều cuối cùng mình muốn bật mí, là điều mình mới nhận ra khoảng 1 năm trước đây. Đó là lá của thanh điệp có mùi tinh dầu thật sự dễ chịu mà mình rất thích. Có một trang nào đó nói thanh điệp có độc, nhưng mình không rõ lắm, mình đã ngửi, đã có rất nhiều tiếp xúc với thanh điệp nhưng chưa có vấn đề gì, chỉ chưa ăn mà thôi :))
    Hoa thanh điệp giản dị, lành tính

Ghi chú:

  1. Thanh điệp nghĩa Hán Việt có nghĩa là bướm xanh, tên tiếng Anh là Blue Butterfly Bush, cũng có nghĩa là bướm xanh
  2. Cây thường xanh (tiếng Anh là evergreen) có nghĩa là cây có lá xanh quanh năm không rụng lá, được dùng để phân biệt với các loại cây có lá rụng vào mùa đông. Các bạn nên hiểu là lá của những loại cây thường xanh vẫn rụng, nhưng là rụng khi lá đã già, chứ không rụng hàng loạt như các loại cây lá rụng theo mùa.
  3. Zone khí hậu: Loại zone khí hậu mình nhắc đến ở đây là hardiness zone theo định nghĩa của USDA. Các zone này dùng để chia vùng khí hậu lạnh nhằm phân chia các loài cây và khả năng chịu lạnh của từng loại cây. Việt Nam được chia vào zone 10 (Đà Lạt, một số vùng núi phía Bắc), 11a (miền Bắc), 11B (miền Nam)
  4. Phân hữu cơ: Mình đưa ra những giải thích này là bởi vì có rất nhiều người hỏi mình phân hữu cơ là gì. (Lúc được hỏi mình thực sự có chút ngạc nhiên kiểu: chẳng lẽ bạn không biết sao?) Ai đã biết rồi thì đừng nghĩ đây là điều thừa nha. Phân hữu cơ dùng để phân biệt với các loại phân vô cơ và tổng hợp, chúng ta cứ hiểu đại loại là phân hữu cơ là được ủ từ những sản phẩm từ tự nhiên như các loại phân và xác động thực vật, trên thị trường hiện tại có rất nhiều loại phân hữu cơ như: chế phẩm từ đậu tương, phân cá, phân gà, phân bò, phân dơi, phân trùn quế…. Còn phân vô cơ là các loại phân được tổng hợp từ các loại hóa chất, chúng ta thường gặp nhất là các loại phân đầu trâu, đạm, lân, NPK…

Một số hình ảnh đẹp khác của hoa thanh điệp

Đánh Giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *